Hà Nội chuyển 8 sở, ngành về một chỗ
Giảm thủ tục, thời gian cho người dân
Ông Mai Xuân Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết: Thành phố đã có chủ trương sắp xếp lại cơ sở nhà đất của các sở ban ngành sau đó thực hiện bán đấu giá. Thành phố dự kiến có 2 khu liên cơ quan gồm: Khu liên cơ trên đường Võ Chí Công (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) dự kiến cuối năm 2017 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng; và khu liên cơ quan sẽ xây dựng ngay tại trụ sở cũ của Sở Xây dựng tại 52 Lê Đại Hành.
Với khu liên cơ quan tại đường Võ Chí Công, hiện đã xây dựng xong 1 toà nhà 18 tầng và một toà nhà 14 tầng, tổng diện tích đất 4.000 m2. Dự án đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng, lắp đặt trang thiết bị. Dự kiến cuối năm 2017 hoặc quý I năm 2018, 8 sở ngành sẽ chuyển về khu liên cơ này, gồm: Sở Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Quy hoạch và kiến trúc, Tài nguyên và môi trường, Khoa học và công nghệ, Xây dựng, Giao thông vận tải, Viện Quy hoạch.
Khu liên cơ quan hành chính Hà Nội đang hoàn thiện trên đường Võ Chí Công
Tại trụ sở cũ của Sở Xây dựng tại 52 Lê Đại Hành sẽ xây dựng tiếp khu liên cơ quan thứ 2 của thành phố có diện tích hơn 10 nghìn m2 đất. Kinh phí xây dựng lấy từ nguồn tiền thu được bán đấu giá trụ sở các sở ngành sau di dời. Hà Nội không xây dựng khu hành chính tập trung để cắt giảm đầu tư mà xây dựng khu liên cơ quan tạo thuận lợi cho người dân và sử dụng hiệu quả tài sản đầu tư. Bộ phận “Một cửa” sẽ chung cho cả 8 sở ngành, người dân và doanh nghiệp không phải đi lại nhiều. Nhiều tiện ích, công năng của toà nhà cũng được khai thác tối đa như phòng họp, hội trường… sẽ dùng chung cho 8 sở, ngành thay vì trước đây chỉ dùng cho 1 sở, ngành.
Không có chuyện “ôm” đất sau di dời
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về lo ngại tình trạng “ôm” đất sau di dời trụ sở như đã từng xảy ra khi di dời hàng loạt bộ, ngành vừa qua, ông Mai Xuân Vinh khẳng định chủ trương của thành phố sẽ không có chuyện “ôm” đất vàng sau di dời, hoặc là giao lại cho các cơ quan khác làm trụ sở. Tất cả quỹ đất sau di dời các sở, ngành sẽ được tổ chức bán đấu giá công khai. Dự kiến theo giá đất ở khi đấu giá đất trụ sở hiện nay của 8 sở, ngành thành phố sẽ thu được gần 2.000 tỷ đồng; còn trường hợp là đất sản xuất kinh doanh, đất phi nông nghiệp sẽ thu được hơn 1.000 tỷ đồng. Việc đầu tư, sử dụng quỹ đất sau đấu giá đương nhiên phải thực hiện đúng theo quy hoạch của thành phố đã được phê duyệt. Theo kế hoạch, sau khi xây dựng xong khu liên cơ quan thứ hai tại 52 Lê Đại Hành, thành phố sẽ tiếp tục di dời các sở ngành còn lại về đây và bán đấu giá tiếp các trụ sở của các sở, ngành này lấy nguồn đầu tư vào các công trình dân sinh.
Về vận hành khu liên cơ quan, Sở Tài chính cho biết: Kinh phí dùng chung (điện, nước, mạng internet) sẽ tiết kiệm, hiệu quả hơn và thành phố không phải tốn kinh phí bảo trì, sửa chữa trụ sở của 8 sở ngành như hiện nay. Toà nhà mới xây hiện đại sẽ bớt phải sửa chữa, cải tạo rất nhiều so với tình trạng trụ sở riêng lẻ của 8 sở, ngành. Nhân sự cho công việc cải tạo, sửa chữa quanh năm của các sở cũng bớt đi. Chi phí đi lại của cán bộ, chi phí đường truyền internet, chi phí gửi công văn, thư từ của 8 sở, ngành cũng tiết kiệm đáng kể.
“Thủ tướng đang yêu cầu tạm dừng xây dựng khu hành chính tập trung vì lo ngại tốn kém khi nhiều tỉnh, thành xây dựng khu hành chính có diện tích đất lên tới 20-30ha. Hà Nội không làm theo cách này mà xây khu nhà liên cơ quan để tiết kiệm chi phí đầu tư, vận hành và gắn với cải cách thủ tục hành chính”, ông Vinh nói.
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về lo ngại tình trạng “ôm” đất sau di dời trụ sở như đã từng xảy ra khi di dời hàng loạt bộ ngành vừa qua, ông Mai Xuân Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài chính khẳng định chủ trương của thành phố sẽ không có chuyện “ôm” đất vàng sau di dời, hoặc là giao lại cho các cơ quan khác làm trụ sở. Tất cả quỹ đất sau di dời các sở ngành sẽ được tổ chức bán đấu giá công khai.
Dự kiến cuối năm 2017 hoặc quý I năm 2018, 8 sở ngành sẽ chuyển về khu liên cơ này, gồm: Sở Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Quy hoạch và kiến trúc, Tài nguyên và môi trường, Khoa học và công nghệ, Xây dựng, Giao thông vận tải, Viện Quy hoạch.
Theo Tiền phong